Đây là một trong những mục tiêu được đề ra tại kế hoạch thực hiện Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình Quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu hoàn thành điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản ở vùng ven bờ, vùng lộng biển; điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hàng năm; các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản ở biển Khánh Hòa theo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản được hình thành, quản lý và hoạt động theo quy định của pháp luật thủy sản. Phấn đấu 100% các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên hàng năm; có 3/5 huyện, thị xã, thành phố ven biển trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái. Hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh gắn với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản được xây dựng, nâng cấp, tích hợp, liên thông giữa cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương theo hướng đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý…
Khánh Hòa sẽ hoàn thành điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản ở vùng ven bờ. Ảnh minh họa.
Để hoàn thành mục tiêu trên, kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách chuyển đổi nghề, đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển, cộng đồng ngư dân khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ; chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác thủy sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác thủy sản. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người dân về bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản; nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; triển khai thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường hợp tác với các cơ quan chuyên môn (viện, trường đại học...) tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá môi trường và nguồn lợi thủy sản ở địa phương để phục vụ công tác bảo tồn. Tăng cường hợp tác quốc tế, tìm kiếm và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các đối tác và tổ chức phi chính phủ trong quản lý loài thủy sản, khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản…
Tin và ảnh: PHÚ QUỐC
Xem bài viết gốc tại đây