Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, tối 4-8 (mùng 1-7 âm lịch), tại di tích Tháp Bà Ponagar, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh sẽ chính thức ra mắt chương trình tham quan, trải nghiệm dưới hình thức sân khấu hóa bán thực cảnh mang tên “Linh thiêng xứ Trầm”. Cùng với đó, chương trình “Trăng soi dáng tháp” sẽ được diễn ra vào tối 15 âm lịch hàng tháng, hứa hẹn mang đến những màu sắc văn hóa và trải nghiệm mới dành cho du khách muốn tìm hiểu, khám phá di tích Tháp Bà Ponagar về đêm.
Hành trình ấn tượng
Đến với chương trình “Linh thiêng xứ Trầm”, du khách cùng các nghệ sĩ sẽ trải qua nghi lễ dâng hương cầu an ở khu vực Mandapa. Đây là nghi lễ để tưởng nhớ các vị thần và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Tiếp đến, du khách sẽ di chuyển lên không gian sân tháp để cùng nhau tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống do các nghệ nhân dân tộc Chăm đến từ làng Mỹ Nghiệp (tỉnh Ninh Thuận) thực hiện; trải nghiệm múa dân gian Chăm, sử dụng các nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm, tìm hiểu nghệ thuật viết thư pháp tiếng Việt. Điểm nhấn của chương trình là phần biểu diễn trích đoạn tuồng “Huyền thoại Mẹ xứ sở” do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh thực hiện. Ngoài ra, còn có màn biểu diễn múa Chăm truyền thống do các thiếu nữ dân tộc Chăm thực hiện… Kết thúc hành trình trải nghiệm ý nghĩa này, du khách sẽ cùng giao lưu với các nghệ sĩ trong những điệu múa, lời hát và chụp hình kỷ niệm.
Lãnh đạo tỉnh xem trình diễn dệt thổ cẩm Chăm trong chương trình “Linh thiêng xứ Trầm” diễn ra đầu năm 2024.
Chương trình “Trăng soi dáng tháp” diễn ra vào tối 15 âm lịch hàng tháng sẽ được bắt đầu bằng nghi lễ dâng hương cầu an. Từ không gian Mandapa, du khách sẽ đến khu vực hiện diện quần thể những ngôi tháp Chăm có tuổi đời từ 700 đến 1.300 năm để tham gia trải nghiệm hoạt động trình diễn nghề dệt thổ cẩm Chăm truyền thống, tìm hiểu nghệ thuật múa dân gian Chăm, nghệ thuật viết thư pháp. Trong phần chính của chương trình, du khách được xem chương trình ca múa nhạc mang màu sắc dân gian đương đại do các ca sĩ, nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, cùng đội văn nghệ truyền thống Chăm của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh biểu diễn. Ở đó, du khách được xem những vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng của các vũ công Apsara trong tiết mục múa “Huyền thoại Apsara”; hòa mình trong không khí lễ hội rộn ràng qua màn hát múa “Bà về ngự chốn non tiên” và “Lên tháp cầu an”. Các thiếu nữ Chăm sẽ gửi tới du khách tiết mục múa quạt, đội lu; những nhạc công người Chăm biểu diễn hòa tấu nhạc cụ trống paranưng, trống ghi năng, kèn saranai. Cuối cùng, mọi người sẽ tham gia tiết mục hát múa mang tính giao lưu, gắn kết.
Một sản phẩm kinh tế ban đêm
Theo ông Trần Đức Hà - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, hai chương trình tham quan đặc biệt “Linh thiêng xứ Trầm” và “Trăng soi dáng tháp” đã được đơn vị phối hợp với các đơn vị nghệ thuật liên quan tổ chức dàn dựng, tập luyện và biểu diễn thử nghiệm vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Sau các buổi diễn thử nghiệm, đơn vị đã lắng nghe các ý kiến góp ý của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, những người làm công tác văn hóa, doanh nghiệp du lịch để có những điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn thiện chương trình. Chính vì thế, khi quyết định đưa hai chương trình này vào phục vụ du khách đều đặn hàng tháng, đơn vị tự tin sẽ mang đến những trải nghiệm mới, độc đáo trong không gian di tích Tháp Bà Ponagar linh thiêng. Giá vé hiện tại đơn vị bán là 30.000 đồng/người/lượt, sẽ giúp cho các doanh nghiệp du lịch, du khách dễ tiếp cận để cùng tham gia trải nghiệm. Đơn vị cũng có thư ngỏ gửi Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cùng nhiều doanh nghiệp du lịch để hỗ trợ, hợp tác nhằm đưa đến cho du khách một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc về đêm tại di tích quốc gia Tháp Bà Ponagar.
Một cảnh diễn trong trích đoạn tuồng “Huyền thoại Mẹ xứ sở” trong chương trình “Linh thiêng xứ Trầm” diễn ra đầu năm 2024.
Hai chương trình “Linh thiêng xứ Trầm" và “Trăng soi dáng tháp” đã nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Văn hóa, đặc biệt là người dân và du khách, bởi đây là những chương trình diễn ra vào ban đêm, tại một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh bậc nhất của tỉnh. Lâu nay, người dân và du khách thường đến di tích Tháp Bà Ponagar vào ban ngày. Vì vậy, việc tìm hiểu, khám phá quần thể di tích cổ kính, huyền thoại này vào ban đêm là một trải nghiệm đáng thử qua.
Một cảnh diễn trong trích đoạn tuồng “Huyền thoại Mẹ xứ sở” trong chương trình “Linh thiêng xứ Trầm” diễn ra đầu năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Chương trình “Linh thiêng xứ Trầm” và “Trăng soi dáng tháp” được xem là một trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gắn với Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh. Đây cũng là hoạt động cần thiết nhằm góp phần bảo tồn, phát huy, khai thác có hiệu quả những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo liên quan đến di tích Tháp Bà Ponagar. Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức, từ đó thống nhất triển khai chương trình định kỳ vào tối mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Với việc tập trung khai thác những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, gắn liền với di tích Tháp Bà Ponagar sẽ đưa đến cho du khách những trải nghiệm đa dạng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có sự nghiên cứu, đầu tư để hoàn thiện sản phẩm này một cách tốt hơn, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú hơn”.
Theo baokhanhhoa.vn.
Xem bản tin gốc của Báo Khánh Hòa tại đây.