Với nhiều tiềm năng, lợi thế riêng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, du lịch xanh, huyện Khánh Sơn được xác định là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư. Để thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển theo hướng nhanh, bền vững, huyện đang mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư đối với 17 dự án trọng điểm của huyện.
Nhiều tiềm năng đầu tư
Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, từ năm 2017, Khánh Sơn bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, toàn huyện có 3.640ha cây ăn quả, sản lượng năm 2024 dự kiến đạt 22.219 tấn. Trong đó, cây sầu riêng chiếm đến 71% diện tích cây ăn quả, với 2.600ha; diện tích đang cho thu hoạch 1.700ha, sản lượng năm 2024 đạt 17.000 tấn, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng. Nhiều nhà vườn trên địa bàn đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP) với hơn 350ha; có 15 mã số vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích 430ha. Với lợi thế này, huyện đang tập trung thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp để chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng; phát triển nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững… Huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư đến địa phương để đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến nông sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Khánh Sơn là vùng đất có bề dày văn hóa truyền thống của người Raglai.
Khánh Sơn còn được biết đến là quê hương của bảo vật quốc gia đàn đá Khánh Sơn, là nơi có văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Raglai với các nghi lễ, phong tục tập quán đặc sắc như: Lễ bỏ mả (đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2012), lễ ăn đầu lúa mới, nghi lễ vòng đời, lễ tạ ơn… Nơi đây cũng có nhiều loại hình văn nghệ dân gian của người Raglai, có các nhạc cụ dân tộc nổi tiếng đi vào thơ ca với cây đàn chapi; có không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, mã la; có các nghề thủ công truyền thống…
Sầu riêng là đặc sản, lợi thế phát triển nông nghiệp của huyện Khánh Sơn.
Ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Cùng với lợi thế trên, huyện còn có điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ, môi trường sinh thái rừng đa dạng, nguồn tài nguyên du lịch còn nguyên sơ… Địa phương có nhiều danh thắng tự nhiên độc đáo như: Thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp), thác Dốc Quy (xã Sơn Lâm), cao nguyên Tà Giang (xã Thành Sơn), thung lũng Tô Hạp (thị trấn Tô Hạp); nhiều di tích lịch sử cách mạng ý nghĩa… Đây là những tài nguyên quan trọng để huyện thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch”.
Mời gọi đầu tư
Để khai mở tiềm năng, lợi thế của huyện, những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực từ các nguồn vốn Trung ương, của tỉnh để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Đặc biệt, Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận đang được triển khai sẽ mở ra cơ hội lớn để huyện phát triển vượt bậc trong tương lai.
Danh thắng thác Tà Gụ tại xã Sơn Hiệp. (Ảnh do UBND huyện Khánh Sơn cung cấp)
Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để phát triển Khánh Sơn thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng; đưa KT-XH phát triển theo hướng nhanh, bền vững, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên bản địa theo định hướng của Trung ương, của tỉnh, trong quy hoạch vùng huyện, địa phương đã xác định cụ thể 17 dự án trọng điểm để mời gọi các nhà đầu tư; đây là những dự án lớn, quan trọng để thúc đẩy KT-XH huyện trong tương lai. Huyện sẽ nỗ lực kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Huyện cũng mong muốn tỉnh, các sở, ngành quan tâm, hỗ trợ địa phương trong việc xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư lớn đến với Khánh Sơn”.
Huyện có 17 dự án trọng điểm kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách, gồm: Khu du lịch sinh thái Tà Gụ (xã Sơn Hiệp) quy mô khoảng 15ha; Khu du lịch Đồi Thông (xã Sơn Hiệp) quy mô khoảng 15ha; điểm dừng chân Đỉnh Đèo (xã Ba Cụm Bắc); Khu du lịch suối Giá (còn gọi là suối Đá - xã Ba Cụm Bắc) quy mô khoảng 41,9ha; trekking Tà Giang (xã Thành Sơn) quy mô khoảng 50ha; Khu du lịch Đồi thông xã Ba Cụm Nam quy mô khoảng 50ha; Khu du lịch sinh thái sân golf & resort Đông Nam Khánh Sơn (xã Ba Cụm Nam) quy mô khoảng 150ha; Khu du lịch sinh thái Đỉnh Đèo vào hồ Katơ quy mô khoảng 110ha; Khu đô thị sinh thái Tô Hạp Central Park (khu vực bãi bồi gần cầu Sơn Trung) quy mô khoảng 12ha; Khu đô thị sinh thái bắc thị trấn Tô Hạp (đường Đinh Tiên Hoàng) quy mô khoảng 20ha; Khu đô thị sinh thái bắc Sơn Trung quy mô khoảng 20ha; Khu đô thị sinh thái nam Sơn Trung quy mô khoảng 5ha; Khu di tích Hang Tỉnh ủy (xã Sơn Bình) quy mô khoảng 3ha; Cụm Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Dốc Trầu (xã Ba Cụm Bắc) quy mô khoảng 15ha; Nhà máy bảo quản nông sản sau sản xuất ở xã Sơn Bình quy mô khoảng 0,1ha; Trung tâm Dịch vụ thương mại Khánh Sơn quy mô khoảng 0,5ha; Trung tâm Thương mại dịch vụ, du lịch Ko Róa (xã Sơn Lâm) quy mô khoảng 100ha.
Theo baokhanhhoa.vn.
Xem bản tin gốc của Báo Khánh Hòa tại đây.